image banner
NGƯỜI TỐT, VIỆC THIỆN: GIEO DUYÊN ĐỌC SÁCH - LAN TỎA YÊU THƯƠNG
Tôi biết đến chị Trần Thúy Nga từ những ngày đầu tiên tôi đặt chân về mảnh đất Nghĩa Đồng thân yêu. Lúc đó tôi được một người đồng hương cùng quê Nam Đàn ở cạnh nhà giới thiệu về chị Nga. Tôi khá bất ngời khi gặp chị vì nhìn chị chỉ như cô bé nhỏ nhắn, yếu ớt ngồi trên chiếc xe lăn trong một căn phòng chật chội. Ấn tượng đầu tiên của tôi về chị là sự vui vẻ, hoạt bát, trên môi chị luôn nở một nụ cười rất tươi. Và khi tôi nhìn những dòng chữ tròn trĩnh đẹp đẽ, những bức tranh sống động hiện dần lên dưới đôi tay đã biến dạng vi bệnh viêm đa khớp của chị thì tôi thật sự ngạc nhiên, trong lòng tôi trào dâng niềm thương cảm và mến phục.

Anh-tin-bai

Sau khi tôi tìm hiểu về chị thì biết hoàn cảnh của chị rất đặc biệt, đến nỗi khiến chị có lúc rơi vào sự tuyệt vọng. Như một lần tự bạch chị đã viết, sự tổn thương tinh thần đầu tiên và lớn nhất mà chị phải chịu là mang tiếng “con hoang”. Biến cố cuộc đời rơi vào năm 13 tuổi, chị đột nhiên trở thành “cô bé tàn tật”. Những cơn đau thể xác thường xuyên và kéo dài cũng không không thể so sánh được với nỗi đau đớn về tinh thần khi nghĩ về tương lai. Chưa kịp thực hiện ước mơ học thật giỏi, sau này trở thành người thành đạt, người có ích cho xã hội để bù đắp nỗi buồn cho mẹ thì chị lại trở thành gánh nặng của mẹ và gia đình. Thương mẹ, thương anh chị, chị tủi thân và thấy mình thật có lỗi.

Chị kể, trong những ngày chị đau đớn và tuyệt vọng, người chị gái của chị đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mua cho chị những cuốn sách và động viên chị đọc để quên bớt buồn tủi, đau đớn. Đó cũng là bước ngoặt cuộc đời của chị vì từ khi đó chị bén duyên với sách. Những cuốn sách không chỉ giúp chị giết thời gian, nguôi ngoai những cơn đau, nỗi buồn mà còn cho chị nhiều kiến thức và động lực sống.
Từ đó, chị vừa say mê đọc sách vừa cố gắng vượt qua những cơn đau triền miên nhờ vào những câu chuyện ý nghĩa và những nhân vật nghị lực, nó gieo mầm trong chị ước mơ làm được nhiều điều tốt đẹp như các tấm gương đó. Tuy các khớp ngón tay bị sưng đau và biến dạng hết tất cả, nhưng chị vẫn cố chịu đau, gắng luyện viết, luyện vẽ. Dần dần tay chị bớt run và viết đẹp trở lại, không những thế chị còn vẽ được những bức tranh rất đẹp.
Nhu cầu đọc của chị ngày càng lớn nhưng không có tiền mua sách, chị cho thuê lại những cuốn sách của mình và cả bán thêm những món hàng nhỏ để góp từng đồng tiền lẻ mua thêm sách. Cứ như vậy tủ sách của chị ngày càng nhiều lên, phong phú về thể loại. Chị luôn tìm chọn những cuốn sách hay, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó là sách nuôi dưỡng tâm hồn, sách văn học kinh điển, sách lịch sử, khoa học, sách kỹ năng học tập, kỹ năng sống và phát triển bản thân, sách sức khỏe...
“Khi trang sách mở ra
Khoảng trời xa xích lại
Bắt đầu là cỏ dại
Thứ đến là cánh chim
Sau nữa là trẻ con
Cuối cùng là người lớn.”
<
Những trang sách, những khoảng trời mở ra trước mắt không chỉ cho những cô cậu học trò giữa xóm núi xa xôi mà còn có thể vượt qua cả biên giới của Tổ Quốc cho những người con đi xa xứ. Dù bạn là ai, bạn ở đâu, chỉ cần bạn là người yêu sách, bạn sẽ được chào đón đến với một chốn an yên hoàn toàn miễn phí, nơi bạn có thể đắm chìm trong những câu từ, và được mở ra bởi một cô gái đặc biệt – đó là Thư viện miễn phí Thúy Nga của cô gái làm bạn với chiếc xe lăn suốt 26 năm qua.
Thư viện đã hoạt động hai mươi năm và đã có hơn 8000 cuốn sách. Từ tình yêu dành cho sách, một thư viện miễn phí với mục tiêu lan tỏa tình yêu đọc đến cho mọi người đã ra đời. Không chỉ xây dựng không gian đọc sách cho những người yêu sách, mà đồng thời chị còn cố gắng tạo thói quen đọc sách cho mọi người ở mọi lứa tuổi khác nhau.
Sống chung với căn bệnh quái ác từ năm 13 tuổi, căn bệnh viêm đa khớp dạng thấp đã khép lại cánh cửa của chị đến với mơ ước tốt đẹp mà chị luôn ấp ủ. Từ một mùa hè với cái nắng năm 1998, khi đang học lớp 7 ở trường, căn bệnh ập đến, chị cùng gia đình đi chạy chữa khắp nơi, bị bệnh viện trả về. Hầu như các khớp trên người chị đã bị hỏng. Ngày càng nhiều khớp bị sưng, viêm đau, viêm đi viêm lại chuyển dần sang biến dạng khớp, cứng khớp, dính khớp, mất dần khả năng cử động, nhiều khớp không cử động được nữa. Ngay cả cầm thìa để ăn cơm có khi cũng rất khó khăn.
Trong những ngày tháng tăm tối và bất lực đó, sách là người dìu dắt chị từng bước bước đến nơi có ánh sáng dịu dàng, đặc biệt cuốn sách “Không gục ngã” của tác giả Nguyễn Bích Lan, chị như tìm thấy được một Trần Thúy Nga trong đó, đồng cảm những gì nhân vật trải qua, dẫu cho cuộc đời có đẩy đưa họ đến bao khoảnh khắc nghẹt thở, nhưng họ vẫn tìm ra hơi ấm của sự sống, khao khát được sống một cuộc đời có ý nghĩa, không chỉ vì bản thân mà còn vì cả gia đình, cộng đồng.
Duy trì tủ sách với chị Nga là một thử thách không hề dễ dàng. Bởi căn bệnh luôn là rào cản lớn của chị. Chị Nga chia sẻ:"Lúc đỡ đau thì tôi lại dùng kim lớn và dây để may sách, bọc sách (tôi đã nhờ người đóng ba lỗ dọc theo gáy sách thì mới may được). May và bọc cẩn thận cho nên dù rất nhiều người mượn, sách ít khi bị hỏng". Bản thân cô gái không tự sắp xếp được sách trong các tủ mà phải nhờ người thân và các em học sinh sắp xếp theo ý cô, sách nào ở ngăn nào, cánh tủ số mấy... để chị dễ dàng gợi ý và chỉ đúng tủ chứa sách khi mọi người cần mượn. Để duy trì hoạt động cho tủ sách, chị mở cửa hàng nhỏ tại nhà để bán các mặt hàng đặc sản của địa phương, chị cũng chuyển dần sang lối sống tối giản và dường như không có nhu cầu gì nhiều cho bản thân. Toàn bộ số tiền có được phần lớn chị trích để mua sách phục vụ bạn đọc.
Từ năm 2013, chị quyết định biến tủ sách của mình thành một thư viện cộng đồng hoàn toàn miễn phí, tạo ra một địa chỉ lan tỏa tình yêu sách và kết nối thói quen đọc sách đến nhiều người khác. Hàng nghìn cuốn sách hay đủ thể loại cho mọi lứa tuổi là tài sản tích góp bao năm qua của chị Nga.
Năm 2020, chị đạt giải ba cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" của báo Tuổi Trẻ.
Năm 2021, chị trở thành 1 trong 50 gương mặt xuất sắc nhất cả nước và là đại diện duy nhất của Nghệ An được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam trao giải thưởng “Tỏa sáng nghị lực Việt.”
Năm 2022, chị làm làm Ban giám khảo Cuộc thi Chia sẻ câu chuyện “Tôi làm việc tốt”.
Năm 2023, chị nhận được giải toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2023. Chị là Đại sứ Truyền thông cho LĂNG KÍNH YÊU THƯƠNG - cuộc thi ảnh về người khuyết tật do nhóm sinh viên Học viện Ngoại giao phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức.
Năm 2024, chị là một trong tổng số 30 cá nhân, tập thể vinh dự nhận được giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI do Bộ Văn Hóa Thể Thao & Du Lịch trao tặng trong Lễ Tổng kết và trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI và phát động cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024.
Với chị Trần Thúy Nga cũng như Thư viện miễn phí của chị, sứ mệnh cao cả khi mở ra và duy trì thư viện đó chính là “Gieo duyên đọc sách - lan tỏa yêu thương. Và tình yêu thương, sự sẻ chia ấy chắc chắn không bao giờ thừa trong một xã hội hiện đại với những thay đổi, phát triển chóng mặt như hiện nay.
Trong một lần trò chuyện với phóng viên trang Báo Nghệ An, chị Trần Thúy Nga đã chia sẻ: “Ai cũng sẽ nhận ra, tùy từng thời điểm, tất cả chúng ta đều có khó khăn, đau khổ và kể cả tuyệt vọng…Khi ta nhận ra đó là những thử thách cần có trong đời, để trui rèn ta thêm mạnh mẽ, để dạy ta những bài học về tình yêu thương, lòng biết ơn… giúp ta quay vào bên trong, tự hỏi bản thân mình nhiều hơn, mình là ai, mình cần làm gì để lý do mình sống là ý nghĩa và đáng sống nhất. Mỗi chúng ta là viên đá thô, chính ta là người quyết định để viên đá ấy bám rong rêu hay trở thành viên ngọc quý. Như bản thân tôi, tôi có thể bị bệnh tật, tôi không còn được đến trường nhưng trong thời điểm đó tôi lại nhận ra nhiều giá trị và biết trân quý những điều nhỏ bé, để từ những gì còn lại, tôi biết tự học để vươn lên sống có ích.”
Cũng như câu hát: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để gió cuốn đi...". Từ những trang sách cứu rỗi cuộc đời của chị, từ những tháng ngày tăm tối, chị đã nhìn vào điều tích cực nhất để có niềm tin vào những điều tốt đẹp vẫn tồn tại, để thấy cuộc sống này đáng sống, giá trị bản thân mình vẫn xứng đáng để sống và lan tỏa.
Với nghị lực kiên cường vượt lên số phận, sống đẹp, sống “tử tế” của mình, với những gì chị đã nỗ lực cống hiến, đóng góp của chị cho quê hương, những giá trị tinh thần chị lan tỏa cho cộng đồng xã hội, tôi thấy chị hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “ GƯƠNG NGƯỜI TỐT, VIỆC THIỆN”. Đây không chỉ là mong muốn của bản thân tôi mà tôi nghĩ đó còn là mong muốn, là nguyện vọng của những người đã biết đến chị. Như vậy tấm gương của chị sẽ được biết đến nhiều hơn, được nhân rộng thêm, và ngày càng có nhiều người được khơi dậy hạt mầm tử tế vốn có. Đó cũng là sự khích lệ, tiếp sức để chị có thêm sức mạnh tiếp tục thực hiện sứ mệnh "GIEO DUYÊN ĐỌC SÁCH - LAN TỎA YÊU THƯƠNG".
Tân kỳ, ngày 20 tháng 5 năm 2024
Nguyễn Thị Xinh
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Nghĩa Đồng