image banner
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”

Tôi rất tâm đắc với một câu nói của Xukhomlinski: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại những dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”. Phải, chúng ta “sống” chứ không phải “tồn tại”. Chúng ta hành động và xây dựng một cộng đồng yêu thương chứ không chỉ bám víu vào hơi thở, bản ngã của mình. Chúng ta ý thức được trách nhiệm và sứ mệnh của mình là làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Điều đó thật đúng với chị Tô Thị Hoa, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An – một tấm gương về người tốt, việc tốt mà tôi từng được nghe nhiều người dân ở xã Quỳnh Thuận nhắc tới và cũng là nhân vật mà tôi muốn giới thiệu trong bài viết này. 

Anh-tin-bai
Tôi tới tìm gặp chị trong một buổi chiều giữa tháng 5 khi nắng chiều còn oi ả, con đường vào nhà hai bên có hàng cây xanh mát, đám trẻ con vui chơi nói cười rộn rã. Gặp chị, tôi hơi sững sờ và bất ngờ, bởi vì chị quá khác so với tưởng tượng của tôi, tấm gương với những kinh nghiệm phong phú ở nhiều cương vị khác nhau ngay trước mắt tôi đây lại là một cô gái trẻ với dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt sáng. Chị đón tiếp tôi với nụ cười thật tươi tắn, khiến tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết và thân thiện của một người cán bộ trẻ. Trò chuyện với chị, tôi được biết, hiện tại, chị Hoa đang kiêm nhiệm một số chức vụ khác nhau ở Ủy ban nhân dân xã. Ở cương vị nào, chị cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đặc biệt, chị hoạt động sôi nổi và có nhiều đóng góp cho công tác Hội Chữ thập đỏ xã. Được biết thêm, chị bén duyên với màu áo đỏ tình nguyện vào năm 2020, và được cấp uỷ Đảng, chính quyền tin tưởng giao giữ chức vụ Chủ tịch Hội.

Với tôn chỉ từ thiện nhân đạo, với tinh thần được cống hiến, chị Hoa cùng tổ chức Hội đã triển khai thực hiện rất nhiều hoạt động phong trào. Trong đó tiêu biểu phải kể tới chương trình “Bát cháo tình thương, chung tay vì sức khỏe người bệnh”. Cứ đều đặn mỗi tháng 1 lần, chị Hoa lại cùng với các tình nguyện viên của xã Quỳnh Thuận, phối hợp với nhóm thiện nguyện Nguyên Quang, hội Phụ nữ và Đoàn thanh niên tổ chức phát cháo, mì tôm và nước uống tại bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu. Hoạt động này duy trì từ 12 đến 14 đợt trong một năm. Chị Hoa chia sẻ, có những hôm trời nóng như đổ lửa hay thời tiết mưa giá, rét buốt nhưng mọi người trong nhóm từ thiện đều vui vẻ và hết mình với công việc. Tôi thắc mắc rằng nếu thời tiết không ủng hộ thì việc phát đồ ăn, nước uống có thể dời ngày một cách linh hoạt. Chị Hoa giải thích rằng chị biết điều đó, nhưng cứ nghĩ đến sự mong chờ của bà con ở bệnh viện, nhất là niềm vui rạng rỡ trên những khuôn mặt mệt mỏi và tiều tụy ấy, chị và các bạn trong nhóm thiện nguyện lại càng có động lực làm những việc này để lan tỏa tinh thần chia sẻ, yêu thương trong cộng đồng. Nhờ đó, xã Quỳnh Thuận trở thành xã đi đầu tiên phong trong chương trình “Bát cháo tình thương, chung tay vì sức khỏe người bệnh” ở huyện Quỳnh Lưu. Bên cạnh đó, chị Tô Thị Hoa cũng là gương mặt tiêu biểu trong công tác vận động hiến máu. Chương trình hiến máu được tổ chức 1 lần 1 năm theo kế hoạch của huyện. Nhờ những đóng góp trong công tác tuyên truyền của chị Hoa cùng các tình nguyện viên, Quỳnh Thuận vượt chỉ tiêu của huyện đề ra từ 20-30%. Trước đây, đối với người dân xã Quỳnh Thuận, hiến máu tình nguyện còn là một việc làm xa lạ, không được nhiều người quan tâm bởi chưa hiểu hết ý nghĩa của nó. Cùng với đó là quan niệm của người dân như “hiến máu làm giảm sức khỏe của người hiến” - đây là một trong những trở ngại lớn nhất trong việc thuyết phục và làm lay chuyển tư tưởng, nhận thức của người dân trong xã. Với thông điệp “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, Quỳnh Thuận đã triển khai tuyên truyền về lợi ích của việc hiến máu đến từng thôn xóm, mỗi người dân. Bản thân chị Hoa hiểu rằng hành động nhân đạo đó không chỉ cứu giúp những sinh mệnh khác mà còn nuôi dưỡng lòng nhân ái trong mỗi con người.

Tuy nhiên, có một sự thật bất ngờ là chị Hoa chưa bao giờ hiến máu.

Dù sức khỏe không cho phép nhưng mỗi năm khi cấp trên triển khai thực hiện phong trào hiến máu, chị lại hồ hởi dẫn đầu đoàn tình nguyện viên đi hiến máu. Sợ mình không đủ tiêu chuẩn sức khỏe để hiến máu, từ những ngày trước đó, chị cố gắng ăn uống và sinh hoạt điều độ. Chị còn làm tôi phì cười vì bị các anh chị em trong đoàn “khịa”: “Mi con con rứa có được hiến máu mô mà khi mô cũng lăng xăng tê trời ạ!”…Dù không thể hiến máu nhưng trong gia đình, chị luôn là người tiên phong và kêu gọi người thân tham gia hiến máu; trên cương vị là người cán bộ xã, chị vận động người dân hăng hái, tích cực tham gia phòng trào hiến máu nhân đạo bằng các bài viết trên mạng xã hội, những hình ảnh thực tế là minh chứng sống động nhất cho hành động người tốt, việc tốt.

Không dừng lại ở đó, chị Tô Thị Hoa và các cán bộ Hội thực hiện các chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ tu sửa, làm nhà, hỗ trợ mô hình sinh kế và trao tặng quà cho người dân. Gắn bó sát sao với thực tế cuộc sống người dân, chị Hoa thấy được hoàn cảnh của một số hộ gia đình còn quá khổ cực. Những tưởng trong thời đại kinh tế phát triển như hôm nay, chất lượng cuộc sống con người đã được nâng lên. Ấy vậy mà đâu đó, cái đói, cái nghèo còn mãi bám riết, bủa vây lấy những mảnh đời vốn đã bất hạnh. Đau lòng trước những tình cảnh đó, chị Hoa đã nhiều lần đề xuất với lãnh đạo huyện Hội để có những chương trình giúp đỡ hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, rủi ro đột xuất trên địa bàn xã. Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện cũng như qua khảo sát tình hình thực tế của từng đối tượng, năm 2022, hội đã phối hợp với hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ xây dựng 2 ngôi nhà nhân ái cho hộ nghèo với tổng số tiền 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, hội cũng kêu gọi sự vận động ủng hộ của các cá nhân tập thể, các chi đoàn chi hội với tổng số tiền hơn 20 triệu đồng để hỗ trợ thêm trong việc xây dựng nhà ở cho 2 hộ gia đình trên. Ngoài ra, hội đã kết nối và phối hợp với Đồn biên phòng giúp đỡ việc dỡ nhà, hỗ trợ quá trình xây dựng ngày công cho bà Tô Thị Hương ở thôn Yên Trường và ông Trần Quỳnh thôn Đức Long nhanh chóng được triển khai và hoàn thiện.

Đặc biệt là đối với bà Tô Thị Hương, hoàn cảnh của bà vô cùng khó khăn, không có chồng, không có con, sống nhờ sự cưu mang của anh em, họ hàng, cuộc sống bươn chải bằng việc đi xin con cá, con tép sống qua ngày, chưa kể đau ốm bệnh tật triền miên. Cả cuộc đời bà có lẽ chưa bao giờ bà Hương nghĩ đến mình sẽ được sống trong một ngôi nhà kiên cố, vững chãi như vậy. Nhìn những ngày mưa bão, nước mưa ngập cả gian nhà nhỏ, phải chịu cái rét cắt da cắt thịt mùa đông, bà Hương chỉ ước ao có một mái nhà chắc chắn, ấm áp hơn. Nhận quà từ ban lãnh đạo địa phương trong lễ bàn giao nhà, bà không cầm được nước mắt, dáng người nhỏ bé còm cõi run lên vì hạnh phúc, bà rối rít cảm ơn các cán bộ huyện, xã, thôn đã hết lòng quan tâm và giúp đỡ. Chứng kiến giọt nước mắt hạnh phúc trên khuôn mặt khắc khổ ấy, chị Hoa cũng không khỏi xúc động, lòng bồi hồi với bao cảm xúc khó diễn tả thành lời.

Ngoài ra, chị Tô Thị Hoa cũng là một trong các cán bộ xã rất sát sao với quá trình lựa chọn và giúp người dân phát triển mô hình sinh kế bền vững. Tại địa phương, năm 2023, đã có 4 hộ gia đình đã được tặng 4 con bò, 16 hộ khác được tặng mỗi hộ 20 con gà. Đây chính là chiếc cần mưu sinh giúp bà con có động lực tăng gia sản xuất và tự nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc trao tặng quà, thăm hỏi diễn ra vào các dịp lễ, ngày kỉ niệm. Trong dịp Tết Nguyên Đán, một số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các thôn được tặng chăn ấm, gạo với mong muốn được đón Tết ấm no. Vào tháng cao điểm nhân đạo, một số hộ nghèo, hộ rủi ro yếu thế được tặng quạt, nồi cơm điện và nhu yếu phẩm cần thiết với tổng giá trị giá các đợt lên đến hơn 50 triệu đồng.

Có lần trong lúc trao tặng quà nấm linh chi cho người già yếu, bệnh tật hiểm nghèo, có bác đã nói: “Bác nghe nói nấm linh chi đắt lắm. Ai mà lại cho bác món quà quý giá ri hở cháu?” Đây có lẽ là câu hỏi mà chị Hoa nghe được nhiều nhất sau khi tặng quà cho các bác thuộc hộ gia đình khó khăn. Người vui vẻ rạng rỡ, người rưng rưng nước mắt nhưng họ đều không giấu được niềm hạnh phúc và biết ơn. Nóng lòng được tận tay trao gửi những món quà này đến bà con, chị Hoa lại có động lực làm việc hơn bao giờ hết. Chị hồ hởi chia sẻ: “Nấm linh chi vừa được chuyển về vào lúc gần trưa. Lúc ấy chị chỉ muốn dừng công việc đang dang dở lại để đi giao nấm ngay. Chị vui quá, quên mất thời gian nên đến nhà các bác tặng nấm vào cả giờ ngủ trưa. Ngại thật chứ!”… Để có được những phần quà này, chị Hoa đã kết nối với một người con xa quê của xã Quỳnh Thuận có lòng hướng về quê hương và muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn với 150 hộp nấm có tổng giá trị hơn 40 triệu đồng. Ngồi nghe chị kể lại thôi mà tôi cũng cảm nhận được lúc ấy chị đã hào hứng đến nhường nào. Chắc hẳn đó không chỉ là sự nhiệt huyết với công việc, đó còn là niềm vui khi được giúp đỡ mọi người.

Có thể thấy tuy đó không phải là những món quà có giá trị lớn nhưng lại vô cùng ý nghĩa và thiết thực, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong gia đình. Bên cạnh sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Huyện hội Quỳnh Lưu, sự tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương, chị Hoa cũng cảm thấy may mắn vì có sự hỗ trợ, phối hợp của chùa Đông Yên Quỳnh Thuận trong tất cả mọi hoạt động nhân đạo. Biết ơn điều đó, cá nhân chị từ lúc nào đã trở thành một người tích cực kết nối các hoạt động của xã Quỳnh Thuận và chùa Đông Yên, làm cho các hoạt động thiện nguyện diễn ra suôn sẻ, thuận lợi hơn. Trong lễ Phật Đản vừa rồi, chị Hoa đại diện cho tổ chức Hội chữ thập đỏ xã nhà đã  thăm hỏi, tặng quà nhà chùa để bày tỏ lòng biết ơn và duy trì mối quan hệ tốt đẹp này.

Là một cá nhân tiêu biểu của Hội Chữ thập đỏ xã Quỳnh Thuận, chị Hoa luôn khéo léo phối hợp với các đơn vị tổ chức khác để tạo điều kiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Vào mùa hè, cứ đều đặn một lần một tuần, bà con lại được nghe bài viết tuyên truyền về phòng chống đuối nước trên loa truyền thanh của xã. Lo lắng cho sự an toàn của bà con trong xã, chị Hoa gấp rút xin hỗ trợ từ địa phương để tặng 30 áo phao cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng áo phao và cờ tổ quốc cho ngư dân bám biển. Tâm sự với tôi, chị kể rằng chị còn ám ảnh mãi với sự việc không may của 3 trẻ em bị đuối nước cách đây 7 năm về trước. Xã Quỳnh Thuận lại là một xã ven biển, tuy người dân ở đây rất quen thuộc với biển nhưng cũng không thể lường trước mọi biến cố của tự nhiên. Là một người con sinh ra ở làng quê ven biển, chị Hoa hiểu được nghề bám biển và cuộc sống của người dân xã mình lắm lúc còn bấp bênh. Nghề đánh bắt, chài lưới ròng rã lênh đênh trên biển, chẳng biết lúc nào cơn sóng tai ương sẽ ập tới. Vậy nên chị luôn thiết tha, mong ước cuộc sống của bà con được cải thiện. Chị vận động các nguồn quỹ nhân đạo, các nhà hảo tâm, các đơn vị doanh nghiệp, nhà chùa trên địa bàn xã Quỳnh Thuận để hỗ trợ người dân đến mức tối đa.

Chưa dừng lại ở đó khi cấp trên triển khai phát động phong trào Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chị Hoa cùng các chị em trong BTV Hội xã đã trăn trở, suy nghĩ xem mình cần phải làm gì, làm như thế nào để chương trình có hiệu quả thiết thực nhất. Qua khảo sát và nắm bắt bằng nhiều kênh thông tin khác nhau, Hội đã thực hiện phong trào bằng hình thức Mẹ đỡ đầu cho hai em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và mồ côi bố, để các em có thể vững bước tới trường. Mức hỗ trợ là 1.000.000đ/em học sinh và đỡ đầu tới năm học lớp 12, Hội sẽ trao quà vào đầu năm học, ngoài ra hàng quý Hội còn đến thăm hỏi, động viên và trao một số suất quà mang tính động viên, khích lệ để các em có thể yên tâm vững tin học tập tốt. Bên cạnh đó, Hội đã đề xuất với Huyện hội Quỳnh Lưu đề nghị xem xét, hỗ trợ học bổng theo chương trình Quỹ thiện tâm của tập đoàn Vingroup tài trợ. Kết quả đơn vị xã Quỳnh Thuận đã có 3 em học sinh được nhận học bổng, với mức tiền 700.000đ/ tháng. Em Bùi Thị Quý thôn Đức Long, xã Quỳnh Thuận là một trong những trường hợp được nhận học bổng từ Quỹ thiện tâm, gia đình em thuộc hộ nghèo, ước mơ trở thành bác sĩ cứu giúp mọi người của em tưởng chừng như bị dang dở khi đang học năm nhất thì bố mất, gánh nặng đè lên đôi vai người mẹ bệnh tật, đau ốm thường xuyên. Em tâm sự “Lúc đó đối với em, mọi chuyện như tối sầm lại như chính con đường phía trước em đi, nhưng thật may mắn đã được các cô các chú quan tâm, trao cơ hội nhận học bổng quỹ Thiện tâm để em có thể thực hiện ước mơ của mình. Em biết ơn lắm ạ”. Những kết quả làm ấm lòng những người làm công tác thiện nguyện, với tâm niệm các em có thể khuyết bố hoặc mẹ, có thể khuyết các điều kiện sống nhưng với niềm tin vào một tương lai tươi sáng, với sự hỗ trợ quan tâm của cả cộng đồng, chúng ta sẽ giúp các em không bao giờ khuyết ước mơ, hoài bão của mình.

Trải qua 4 năm hoạt động, chị Hoa và các cán bộ trong Hội Chữ thập đỏ xã Quỳnh Thuận đã thực hiện được nhiều hoạt động nhân đạo có ý nghĩa, góp phần đưa đời sống người dân đi lên. Trong thời gian ngắn, tập thể Hội được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An khen thưởng. Đặc biệt, những cống hiến đó đã được ghi nhận giúp những cán bộ trẻ như chị Tô Thị Hoa có thêm động lực để cố gắng, có thêm sức mạnh, lòng quyết tâm để luôn giữ một trái tim ấm nóng đối với công tác từ thiện nhân đạo, xây đời tốt đẹp. Bản thân tôi cũng là một người trẻ, nhưng khi nghe chị kể những câu chuyện ấy, tôi thấy mình thật nhỏ bé.

Tìm hiểu thêm về gia đình chị, tôi được biết chị có hai cô con gái nhỏ và cả hai bé đều đang học mẫu giáo. Tôi tự hỏi một người mẹ vốn đã rất bận rộn với gia đình và con nhỏ còn có thể làm thêm đồng thời nhiều công việc đến vậy sao? Tôi hỏi rằng động lực nào giúp chị có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ với nhiều cương vị như vậy, chị cười hiền bảo rằng làm mẹ và yêu thương các con là điều chị phải làm, cống hiến cho người dân, giúp người dân được sống vui vẻ, hạnh phúc hơn là điều chị muốn làm. Trong vài giây thoáng qua, tôi chợt cảm nhận được lý tưởng lớn lao ấy có lẽ luôn được chị ấp ủ trong trái tim đầy nhiệt huyết. Lắm lúc gia đình còn gặp khó khăn nhưng chị vẫn sẵn sàng đưa tay để nắm lấy những đôi bàn tay kém may mắn khác. Chị muốn truyền lại ngọn lửa tình yêu thương ấy vào những đứa con  hồn nhiên, để các con lớn lên cũng có lòng trắc ẩn, bao dung với mọi người. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, chị hỏi tôi “ Ơ, em lấy thông tin về chị làm gì vậy?”. Tôi mỉm cười trả lời rằng: em viết bài về chị, về tấm gương “Người tốt, việc thiện Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” do tỉnh Hội triển khai. Chị hốt hoảng xua tay và nói dồn dập: “Ấy ấy, đừng nha, chị làm được gì đâu mà viết, ngoài kia bao nhiêu tấm gương kiên cường, bao nhiêu con người hy sinh vì công tác thiện nguyện, chị chỉ là hạt cát trong sa mạc thôi em. Hơn nữa mình may mắn hơn bao nhiêu người khác, cảm ơn cuộc đời vì điều đó thôi, đừng viết về chị nha”. Nghe những lời bộc bạch chân thành ấy, lòng tôi ngổn ngang bao cảm xúc, tôi bỗng vấn vương nhớ đến những câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không?...”.

Có lẽ câu hỏi này đã được trả lời. Cuộc sống này cần lắm những người có tấm lòng yêu thương. Tôi chỉ mong chị Hoa sẽ có thật nhiều sức khỏe và nhiệt huyết cống hiến cho người dân để lan tỏa lòng nhân ái, cổ vũ hành động tử tế góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, đề cao giá trị nhân đạo trong cộng đồng. Trong cuộc sống vô thường này, nếu chỉ sống cho bản thân mình thì ta mãi là hạt cát vô danh kia, nhạt nhòa, cô độc. Nên, hãy sống yêu thương, sống với tâm hồn rộng mở, trao đi tình cảm chân thành, nhân ái để tạo dựng nên một xã hội tốt đẹp hơn.

TÔ TRUNG ANH

HỘI CHỮ THẬP ĐỎ XÃ QUỲNH THUẬN – HUYỆN QUỲNH LƯU